Du hành vào thế giới tranh của ông,ọasĩsânkhấuĐỗDoãnChâuTriânđờcgv vincom metropolis liễu giai thấy được ở đó một "tượng đài" của tình yêu, hạnh phúc gia đình; thấy ở đó niềm đam say trong khám phá chất đời bình dị. Cuộc đời ông như vở kịch đầy cao trào, và Doãn Châu mượn ngôn ngữ hội họa làm sân khấu để độc diễn cuộc đời mình qua từng tác phẩm.
Ngày trước ông vẽ sân khấu để phục vụ khán giả, giờ vẽ tranh là để phục vụ mình, điều đó có đúng với ông?
Vẽ sân khấu sẽ dựa theo kịch bản, cốt truyện; vẽ tranh thì không như thế, bởi đó là hai mục đích khác nhau. Tranh diễn tả cảm xúc, sân khấu cũng thế nhưng họa sĩ không được làm chủ, họa sĩ sân khấu phải phục vụ cho anh đạo diễn. Khi vẽ, đạo diễn đòi hỏi chủ đề, và phải phục vụ theo ý đồ để đưa đến khán giả nội dung vở kịch cách tối ưu. Còn khi chuyển sang vẽ cho mình, tôi đưa vở kịch cuộc đời tôi vào tranh.
Nhưng nhìn tranh của ông, quả thực khó đoán. Họa sĩ khi thành danh, họ có ngôn ngữ riêng, Đỗ Doãn Châu lại "trình diễn" trên "sân khấu" đa ngôn ngữ, vì sao?
Tôi không vẽ ra Đỗ Doãn Châu, tôi không đem tên mình làm lá chắn. Tôi là họa sĩ đa phong cách, tranh tôi có phong cảnh, chân dung, tĩnh vật, lối vẽ có công bút, ý bút kiểu cổ điển, cho đến hội họa đương đại như trừu tượng, biểu hiện, siêu thực… Bút pháp có lúc chỉn chu, nghiêm cẩn, có lúc tung tẩy đến bay bổng, tùy cảm xúc nhất thời. Tôi không giới hạn hay chạy theo phong cách nào cả, mọi người xem tranh tôi, bảo như đang xem 7 - 8 họa sĩ vẽ, tôi lấy làm mừng, đó mới chính là tôi.
Là người yêu Hà Nội, ông tả cái "yêu" ấy bằng sắc màu khiến nhiều người mê mẩn dù có lúc đồng hành cùng khói bụi, bức bối, kẹt xe, nhà cửa lô xô, chen chúc, ông có thể lý giải vì sao?
Tôi luôn muốn nhìn cuộc sống bằng con mắt tích cực. Cuộc sống phải đi lên, Hà Nội có thể thế này thế nọ, nhưng tôi không quặn đau vì điều đó. Năm nay hơn 80 tuổi rồi, bi quan gì nữa, bạn bè cùng lứa "hai năm mươi" gần hết rồi, tôi vẫn còn đây, giờ thì mỗi ngày dành khoảng 70% thời gian để vẽ. Tôi coi vẽ là cách để "Tri ân đời" - cũng là tên gọi triển lãm cá nhân của tôi đang diễn ra ở E Tễu Gallery (khu đô thị Ecopark, H.Văn Giang, Hưng Yên).
Khám phá nét đẹp từ trong bất toàn, hình như cũng vì thế mà cách dụng màu của ông thay đổi nhiều theo thời gian, gần đây càng thấy rõ vẻ tưng bừng, vui nhộn?
Đấy là chủ ý, là quan niệm sống. Tôi cho rằng cuộc sống bê bối đến mấy cũng không nên đánh mất lòng yêu thương với đời, đừng vì cái bi quan mà làm hỏng cuộc đời, đừng vì bi quan mà u sầu buồn khổ. Cuộc sống vui buồn là cảm xúc, và mình phải biết kiểm soát cảm xúc để chọn sống tích cực, nghĩ tích cực.
Nhưng là con người, buồn làm sao tránh khỏi, ông có vẽ "nỗi buồn" bao giờ chưa?
Có đấy, tôi vẽ vẻ đẹp của nỗi buồn, vẽ cảm xúc buồn. Lấy ví dụ tác phẩm về Praha (Prague, thủ đô Cộng hòa Séc - PV), tự nhiên một buổi sáng thức dậy thấy nhớ Praha, vậy là vẽ nỗi buồn dĩ vãng, nhưng là buồn thương nhớ, không buồn kiểu bi quan.
Xem bức chân dung tự họa Tôi của ngày hôm nay, lại thấy nét… buồn buồn, không vui như khi nghe ông thuật chuyện, ông có ẩn ý gì trong điệu buồn miên man ấy chăng?
Đấy là chân dung hoài niệm, và cũng là suy nghĩ cuộc đời. Tôi vẽ suy nghĩ của tôi, lúc đấy tôi đang nghĩ mình sống không phải là cho mình nữa rồi, mà sống sao để con cháu lấy đó làm gương, cho cuộc đời thêm ý nghĩa. Tôi gọi đó là chân dung có suy nghĩ. Chân dung gợi ra vấn đề, tôi quan niệm thế là một chân dung tốt.
Ông tự nhận mình là họa sĩ đa phong cách, có lẽ do ảnh hưởng sâu đậm từ nghệ thuật trang trí sân khấu?
Đúng đấy, nghệ thuật sân khấu cần nhất mỗi vở kịch là nội dung tư tưởng truyền tải tới khán giả, họa sĩ không phải là người bài trí, vẽ vời giản đơn, hay là tay sai của đạo diễn, mà phải là người phối hợp đạo diễn truyền tải nội dung hay nhất của vở kịch tới người xem. Mỗi vở mỗi khác, không thể trang trí giống nhau được, chẳng hạn hôm nay tôi làm vở Shakespeare, mai sang làm Trần Huyền Trân, rồi kịch của Văn Cao, Kim Lân… Do vậy, tôi tạo cho mình thành Đỗ Doãn Châu đa phong cách.
Tôi tự hào là người làm việc với nhiều đạo diễn nhất của đất nước Việt Nam, từ những Đình Quang, Dương Ngọc Đức, Nguyễn Đình Nghi, Doãn Hoàng Giang, Ngọc Phương, Phạm Thị Thành… cho đến thế hệ trẻ sau này qua các thời kỳ, không đếm xuể, điều đó tạo nên một Doãn Châu đa phong cách, có thể thỏa mãn các yêu cầu của nhiều thế hệ đạo diễn.
Ông vẽ nhiều đề tài, hẳn sẽ có thứ ông thích hoặc một thế mạnh nào đó mà ông thường thể hiện?
Tôi thích nhất là vẽ đời, vẽ tính cách của người bình thường thôi. Chẳng hạn trong đám chơi tá lả, tôi ngồi quan sát, rồi miêu tả tính cách từng người khi đang cầm quân bài. Hoặc cảnh phố cổ Hà Nội, ông bà già đi mua hoa về thắp hương, hay hình ảnh hai chị em trẻ con ngóng mẹ, cho đến các cô đi hầu đồng, hiệu cắt tóc, người bán đồng nát, đánh cờ vỉa hè, phở gánh…; những đề tài mang chất đời khiến tôi mê mẩn.
Đi khắp đông tây, để rồi trở về với lát cắt chưa hoàn hảo của đời, vẫn thấp thoáng ngổn ngang bao trăn trở nhân sinh, rất dễ sa vào góc nhìn tiêu cực, vì sao ông lại mê đời kiểu thế?
Bởi nó khiến tôi phải quan sát, phải tiếp cận, gần gũi lắm, trăn trở, băn khoăn lắm mới thấy trong cái dở ương của đời ấy loé lên nhiều cái hay, cái đẹp, nhỏ thôi, nhưng quý giá, mỗi khi ngộ ra cái đẹp ấy thì sướng lắm. Và chất đời, cũng gợi lại cho tôi nhiều hoài niệm về quá khứ, cảm xúc.
Từng đứng trước ngưỡng cửa sống - chết, từng nếm đủ vị ngọt - trái đắng của đời người, có bao giờ ông đưa những đắng - ngọt ấy vào tranh, và nó sẽ thế nào?
Trong tranh tôi luôn có tính động, có ngôn ngữ, có nội dung, và phải tích cực. Cuộc sống thăng trầm nhiều rồi. Nhưng không vì thế mà tôi làm khổ mình; gặp khi đau buồn, bức xúc, tôi cố lục tìm trong đó những niềm vui.
Hỏi thêm chuyện "cài cắm" những thông điệp kiểu Đỗ Doãn Châu vào tranh, liệu có dễ phát hiện?
Cũng khó thấy đấy, lấy ví dụ tôi vẽ đời sống trên sông Hồng, phải tinh ý mới nhận ra người lái đò, giữa mênh mang sông nước, ngửa mặt nhìn trời, chẳng biết ngày mai ra sao, tôi thích cài vào tranh một vấn đề, nhỏ to gì thì tùy. Mỗi nhân vật phiêu theo một đường, chẳng hạn trong tác phẩm lên đồng, đứa nào cũng say, tôi thích cái gì đó phải có vấn đề. Bề mặt của toan như sân khấu vậy, nó phải có thông điệp.
Ông vẽ rất nhiều chân dung, không như một tấm ảnh chụp, mà như chân dung ấy đang sống, có thể đàm thoại với người đối diện?
Tôi từng làm triển lãm cá nhân từ cách đây gần 10 năm, chỉ giới thiệu chân dung các nghệ sĩ nổi tiếng như Đào Mộng Long, Doãn Hoàng Giang, Phùng Huy Bính, Thế Anh, Đoàn Dũng… Điểm chung là các chân dung rất động. Vì sao động? Vì luôn nhắc tôi và mọi người nghĩ về tôi rằng, tôi là họa sĩ sân khấu, yếu tố sân khấu thể hiện qua nét bút, tác phẩm phải có chất sân khấu, phải động. Điều đó nói lên nội lực hoặc tư chất con người trong chân dung, ví dụ Đào Mộng Long là người xưa nay đóng vai khắc họa tính cách mạnh, Văn Hiệp cũng thế…
Trong nghệ thuật sân khấu, có giây phút lắng đọng, có chi tiết cao trào, hội họa của ông có thể hiện điều đó?
Có chứ, trong tranh có cao trào. Nhiều tác phẩm cảm xúc dâng lên trong 1 phút, bật ra phải vẽ ngay. Chẳng hạn rạng sáng 17.4.2019 không ngủ, dậy xem ti vi thấy cảnh nhà thờ Đức Bà Paris cháy, tôi phát khóc vì nhìn cảnh thương quá, lập tức lấy màu ra vẽ, trong 1 ngày bức vẽ ấy hoàn thiện.
Vẽ sân khấu bị gò vào nội dung, bị đạo diễn điều phối, vẽ tranh ông tự phiêu theo ý mình. Nếu có chọn lựa, ông thích vẽ gì hơn?
Tôi thích tất, vì cái nào cũng hay, nói tới sân khấu là mê, vì nó là máu, là đời, nội dung nó hay, chất đời nó mạnh hơn hội họa, tư tưởng cũng mạnh hơn bởi đã qua chắt lọc, ví dụ nghĩ là hàng tá thứ ngổn ngang, nhưng cô đọng lại 2 - 3 chi tiết trên sân khấu và đạo diễn biết tận dụng chi tiết ấy, lại càng hay. Vẽ tranh thì chỉ mình với ta, tự do, tự làm cái mình thích.
Vẽ sân khấu chỉ mang tính trang trí, nói thế có đúng?
Chỉ đúng một phần. Nhớ lần về Nam Định, tôi trang trí cho vở kịch Mùa hè ở biển của cố tác giả Xuân Trình, nói về quá trình đổi mới, Phạm Thị Thành đạo diễn. Tôi nghĩ mãi, cuối cùng trên sân khấu chỉ làm 2 con số, một số 5 một số 8, rất to, thể hiện đẹp, dày, có thể đảo đi đảo lại, lúc 58 lúc 85. Ý ở đây là gì? Là các ông ơi! Thời bây giờ là năm 85 rồi không còn là 58 nữa. Đấy, suy nghĩ sân khấu là vậy, trang trí không chỉ đẹp, mà còn diễn tả cả nội dung, lại sâu sắc, thế mới sướng.
Trong lĩnh vực trang trí sân khấu có nhiều vở diễn nước ngoài, có bao giờ ông kết hợp nét "Ta" vào với "Tây"?
Nhiều chứ, lấy ví dụ vở Vua Lia làm điển hình. Nói về trang trí cho vở này, ở châu Âu người ta làm mòn rồi; khi tôi thực hiện, tôi phối hợp sân khấu của nghệ thuật rối truyền thống, đưa vào trang trí, tạo hiệu ứng thực sự bất ngờ với ngay cả bạn bè nước ngoài. Tôi nhận được nhiều lời khen từ đồng nghiệp, thậm chí nhiều người cố soi xem tôi có sao chép ở đâu nhưng không tìm ra. Đấy không phải do tôi giỏi, mà chỉ là kế thừa và phát triển chất "Ta" trong máu mình thôi.
Xin cảm ơn ông!
Bình luận (0)
Gửi bình luận Quan tâm nhất Mới nhất Xem thêm bình luận