Tháp bị hủy hoại,ápChánhLộvànhữngcâuhỏicònbỏngỏ888 bet đổ nát theo thời gian rồi mất hoàn toàn, trừ cái tên Gò Tháp thỉnh thoảng được nhắc đến trong những câu chuyện dân gian xa xăm, mơ hồ, hư hư thực thực.
Chuyện đôi sư tử đá gặm trăng
Khoảng những thập niên 70 của thế kỷ 20 trở về trước, vùng Gò Tháp tuy nằm cạnh tỉnh lỵ Quảng Ngãi nhưng vẫn còn khá hoang vắng. Các cụ già sống quanh vùng kể rằng, vào những đêm trăng hạ huyền, người ta hay "bắt gặp" một cặp sư tử đá đi ăn đêm ở Gò Gạch, nhìn từ xa như thể chúng đang gặm bóng trăng mờ.
Thực ra câu chuyện về cặp sư tử đá đi ăn đêm gắn với hai pho tượng đá Gajasimha (con vật đầu voi, mình sư tử) có nguồn gốc từ di tích Chánh Lộ hiện đang được trưng bày tại tiền sảnh Bảo tàng Quảng Ngãi. Theo hồ sơ, hai pho tượng Gajasimha đưa về bảo tàng vào năm 2005 từ khu vực di tích cổ Chăm Chánh Lộ mà các nhà khảo cổ người Pháp đã từng phát hiện và đưa về Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng khá nhiều hiện vật giá trị.
Nhà nghiên cứu văn hóa Chăm Ngô Văn Doanh cho biết khi khảo cứu các hình tượng động vật trong điêu khắc Chăm, Henri Parmentier đã khẳng định: Gajasimha là hình thức phức hợp của hai con vật voi và sư tử, một linh vật hầu như đặc biệt trong nền nghệ thuật Chăm, mà không có ở bất cứ nền nghệ thuật nào trong khu vực.
Bộ đôi sư tử đá gặm trăng trong những câu chuyện hư ảo lưu truyền ở vùng Gò Tháp thực ra là hồi quang trong tâm thức dân gian Việt về một linh vật xuất hiện trong nghệ thuật điêu khắc Chăm từ quá khứ xa xăm.
Cuộc khai quật khảo cổ học từ đầu thế kỷ 20
Bản tường trình của kiến trúc sư kiêm nhà khảo cổ người Pháp H.Parmentier về kết quả của cuộc khai quật ở Chánh Lộ do ông ta tiến hành vào năm 1904; sau đó được công bố rộng rãi trong một tài liệu có tên là Inventare descriptj des monuments Cams de L'Annam(Thống kê - khảo tả các di tích Chăm ở miền Trung Việt Nam) có thể giúp chúng ta hiểu biết những nét chủ yếu về ngôi tháp quý giá này.
Theo đó, tháp Chánh Lộ tọa lạc tại khu vực nay là Bệnh viện Sản - Nhi Quảng Ngãi. Tên tháp gọi theo tên của làng Chánh Lộ thuộc phủ Tư Nghĩa, tỉnh Quảng Ngãi vào thời điểm cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20, nay nằm trên địa bàn phường Trần Phú, TP.Quảng Ngãi.
Tháp - hay đúng hơn là nhóm tháp (temple) Chánh Lộ gồm: Tháp trung tâm (Sanctuaire); tháp cổng ngỏ và 2 tháp khác nằm về phía tây - nam và đông - bắc tháp trung tâm. Tổng diện tích khu tháp được khai quật là 7.200 m2 (120 m x 60 m) trong đó nền tháp trung tâm có hình bát giác, một kiểu dáng kiến trúc tháp Chăm tương đối hiếm, mà hiện nay chỉ còn thấy ở nhóm tháp Bằng An (Điện Bàn - Quảng Nam).
Bị đổ nát quá lâu trước khi khai quật, vì vậy rất khó hình dung về kiến trúc của nhóm tháp. Sự phát hiện 3 nền tháp nằm theo trục bắc - nam, với tháp trung tâm ở giữa cho thấy có mối liên hệ nào đó giữa nhóm tháp Chánh Lộ với các nhóm tháp khác cũng được xây dựng thành 3 nhóm tháp theo trục bắc - nam như: Đồng Dương, Chiên Đàn, Khương Mỹ (Quảng Nam) và Hòa Lai (Ninh Thuận). Ở các nhóm 3 tháp, theo P.Stern, bao giờ tháp nam cũng cổ nhất (về phong cách) rồi mới đến tháp trung tâm và tháp bắc.
Vì sao các nhóm kiến trúc 3 tháp bao giờ tháp nam (chứ không phải là tháp trung tâm) cũng được xây trước? Đây là một bí ẩn mà đến nay chưa một nhà khoa học nào tìm ra lời giải.
Tuy vậy, điều đặc biệt đáng lưu ý ở Chánh Lộ là giá trị của các hiện vật điêu khắc đá (tượng, phù điêu, bi ký, lanh - tô, mi cửa có chạm khắc...) tìm thấy trong cuộc khai quật năm 1904 của Parmentier và được bổ sung bởi cuộc khai quật năm 1998 của Viện Khảo cổ học Việt Nam.
Trong số gần 100 hiện vật này, đẹp và thu hút sự chú ý nhiều nhất của các nhà nghiên cứu là nhóm tượng hình người và các tượng, phù điêu động vật... Một số hình tượng và phù điêu mà H.Parmentier thu được hiện đang được trưng bày tại Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng.
Điểm nổi bật của các tượng, phù điêu tìm thấy ở Chánh Lộ, cũng như các tượng, phù điêu tìm thấy ở nơi khác mang phong cách Chánh Lộ là: Trong khi vẫn còn phảng phất bóng dáng của phong cách Mỹ Sơn E1 với những đường nét trau chuốt cổ điển, bố cục chặt chẽ, nghệ thuật Chánh Lộ đã có sự "phá cách" khá mạnh về khuôn khổ, đường nét, mang đậm cảm tác ngẫu hứng sáng tạo của nghệ nhân, làm cho các pho tượng và phù điêu trở nên sống động, giàu ấn tượng và biểu cảm, hình thành rõ nét một phong cách nghệ thuật mới, độc đáo mà J.Boisselier và nhiều nhà nghiên cứu gọi là "Phong cách Chánh Lộ".
Quan sát cụm tượng linga - yoni Chánh Lộ, bên cạnh những đường nét chạm trổ công phu, trau chuốt, tuân thủ bố cục, tỷ lệ nghiêm ngặt, đã thấy xuất hiện nơi bệ yoni vành đai vú căng tròn, nảy nở, tràn đầy sức sống. Còn tượng thần giữ đền Dvarapala thì kích thước to lớn gấp đôi người thường, mạnh mẽ và sẵn sàng trong tư thế "người bảo vệ", hòa hợp độc đáo với các vũ công chắc khỏe đang thể hiện say đắm một vũ điệu đầy hoan lạc. (còn tiếp)